top of page
Phuong Mai

TỪ 15/8/2023, ĐIỀU KIỆN VAY NƯỚC NGOÀI CÓ GÌ MỚI?

Đã cập nhật: 24 thg 8, 2023

Ngày 30/6/2023, Ngân hàng nhà nước (“NHNN”) đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (“Thông tư 08”). Thông tư 08 thay thế cho Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (“Thông tư 12”), có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

Trong bài viết này, LLVN cập nhật một số thay đổi đáng chú ý về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh như sau.


1. Bên đi vay

Thông tư 08 quy định về điều kiện vay nước ngoài của bên đi vay không được chính phủ bảo lãnh, trong đó, khoản 1 Điều 2 Thông tư 08 quy định bên đi vay thuộc đối tượng điều chỉnh tại Thông tư này là người cư trú, bao gồm:

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (“Doanh nghiệp”);

  • Tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt nam (“TCTD”).

2. Điều kiện vay nước ngoài

Theo quy định tại Thông tư 08, điều kiện vay nước ngoài áp dụng đối với từng trường hợp bên đi vay là Doanh nghiệp hay bên đi vay là TCTD có sự khác biệt nhất định.

Kế thừa quy định tại Thông tư 12, điều kiện vay nước ngoài theo quy định tại Thông tư 08 quy định bao gồm điều kiện chung và điều kiện bổ sung. Trong đó, điều kiện chung được hiểu là các điều kiện được áp dụng chung cho các bên đi vay khi thực hiện khoản vay nước ngoài, bao gồm điều kiện về:

  • Thỏa thuận vay;

  • Đồng tiền vay;

  • Các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài;

  • Chi phí vay nước ngoài.

Ngoài ra, tùy theo trường hợp bên đi vay là Doanh nghiệp hay TCTD, bên đi vay cần đáp ứng các điều kiện bổ sung, bao gồm:

  • Mục đích vay;

  • Giới hạn vay;

  • Tỷ lệ bảo đảm an toàn (điều kiện bổ sung chỉ áp dụng với bên đi vay là TCTD).

3. Các điểm mới đáng chú ý về vay nước ngoài theo Thông tư 08

3.1 Điều kiện chung

Điều kiện chung

Thông tư 12

Thông tư 08

Thỏa thuận vay nước ngoài (TTVNN)

(i) Về hình thức: Khoản 1 Điều 6 Thông tư 12 quy định TTVNN phải được ký kết bằng văn bản;

(ii) Thời điểm ký kết: trước khi thực hiện giải ngân khoản vay, trừ trường hợp TCTD vay ngắn hạn nước ngoài thì TTVNN được ký kết trước hoặc vào thời điểm giải ngân khoản vay;

(iii) Nội dung: TTVNN không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

(i) Về hình thức: Khoản 2 Điều 9 quy định TTVNN phải được lập thành văn bản, bản giấy hoặc thông điệp dữ liệu điện tử.

(ii) Thời điểm ký kết:

(a) Ký kết trước khi giải ngân;

(b) Ký kết vào ngày rút vốn khoản vay nước ngoài trong trường hợp sau:

  • Khoản vay ngắn hạn nước ngoài với điều kiện việc giải ngân khoản vay thực hiện sau khi các bên ký kết thỏa thuận vay; hoặc

  • Khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với hoạt động vay trả nợ nước ngoài và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (Bổ sung mới).

(iii) Nội dung: Khoản 1 Điều 9 quy định TTVNN là một hoặc tập hợp một số văn bản ghi nhận thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho bên đi vay một khoản tiền hoặc tài sản (trong trường hợp vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng cho thuê tài chính) để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi (nếu có thỏa thuận về lãi).

Đồng tiền vay

(i) Điều 7 quy định đồng tiền vay là ngoại tệ.

(ii) Khoản 2 Điều 7 quy định 3 trường hợp đồng tiền vay thực hiện bằng đồng Việt Nam gồm:

(a) Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô;

(b) Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam của bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại bên đi vay;

(c) Các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp.

(i) Điều 10 quy định đồng tiền vay nước ngoài là ngoại tệ.

(ii) Điều 10 quy định 03 trường hợp khoản vay nước ngoài được thực hiện bằng đồng Việt Nam, trong đó kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 12 ở trường hợp (a) và (b) và quy định cụ thể trường hợp thứ ba (c) thay vì trao quyền cho Thống đốc Ngân hàng xem xét, chấp thuận, cụ thể thì thay đổi bằng trường hợp sau:

(c) Bên đi vay rút vốn, trả nợ bằng đồng ngoại tệ và nghĩa vụ nợ của khoản vay được xác định bằng đồng Việt Nam.

Đây là quy định hoàn toàn mới tại Thông tư 08, theo đó hiểu rằng, Thông tư 08 cho phép các khoản vay nước ngoài được giải ngân và trả nợ bằng ngoại tệ nhưng xác định nghĩa vụ nợ bằng đồng Việt Nam, theo thỏa thuận của các bên. Theo đó, khoản vay này sẽ được đối xử như một khoản vay bằng đồng Việt Nam của một bên cho vay nước ngoài.

Chi phí vay

Khoản 1 Điều 9 quy định chi phí vay nước ngoài do các bên thỏa thuận.

Khoản 1 Điều 12 quy định: “Bên đi vay và các bên liên quan tự chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến lãi suất vay nước ngoài, các chi phí khác có liên quan đến khoản vay nước ngoài khi thỏa thuận về chi phí vay nước ngoài”.

Như vậy, thay vì cách quy định như tại Thông tư 12 cho phép các bên tự thỏa thuận về chi phí vay, khoản 1 Điều 12 Thông tư 08 yêu cầu các bên liên quan tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan. Vấn đề đặt ra là, liệu trong trường hợp tự thỏa thuận như vậy, các bên có phải tuân thủ mức trần lãi suất 20% theo Bộ luật Dân sự 2015 hay không (áp dụng đối với hoạt động cho vay của các tổ chức phi tín dụng). Vấn đề này sẽ tiếp tục được cập nhật nếu có hướng dẫn cụ thể hơn từ NHNN.

Mục đích vay

Mục đích vay nước ngoài được quy định là điều kiện chung áp dụng đối với mọi đối tượng đi vay, gồm TCTD và Doanh nghiệp. Cụ thể, tại Điều 5 quy định bên đi vay được vay nước ngoài để phục vụ các mục đích sau đây:

(i) Để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài (a) của bên đi vay; hoặc (b) của doanh nghiệp mà bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp. Đối với trường hợp (b), bên đi vay phải đáp ứng các điều kiện về giới hạn vay và phương án sản xuất kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 12;

(ii) Để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của bên đi vay mà không làm tăng chi phí vay.

Thông tư 08 quy định mục đích vay nước ngoài là điều kiện bổ sung, áp dụng riêng biệt đối với từng trường hợp bên đi vay là TCTD hay Doanh nghiệp, theo từng loại khoản vay. (Các mục đích vay cho từng trường hợp sẽ được trình bày chi tiết tại phần sau của bài viết này).

Đồng thời, so với quy định tại Thông tư 12, hiện Thông tư 08 không còn quy định cho phép bên đi vay được sử dụng vốn vay nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà bên đi vay đầu tư trực tiếp vào (ví dụ doanh nghiệp mà bên đi vay sở hữu phần vốn góp). Vấn đề này sẽ tiếp tục được cập nhật nếu có hướng dẫn cụ thể hơn từ NHNN.


3.2 Điều kiện bổ sung

Trong phạm vi bài viết này, LLVN tập trung cập nhật các điều kiện bổ sung áp dụng đối với trường hợp bên đi vay nước ngoài là Doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

(i) Mục đích vay

Tùy theo thời hạn khoản vay, Điều 17 Thông tư 08 quy định Doanh nghiệp được vay nước ngoài cho các mục đích sau:

(a) Doanh nghiệp được vay khoản vay ngắn hạn để phục vụ 02 mục đích sau đây:

- Thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền của Doanh nghiệp với điều kiện là các khoản nợ ngắn hạn này phải:

  • Không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước, tức là khoản vay ngắn hạn nước ngoài không được sử dụng để trả nợ gốc của các khoản vay trong nước;

  • Phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của Doanh nghiệp;

  • Được xác định căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp.

- Cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài. Trước đây, điểm a khoản 1 Điều 11 Thông tư 12 quy định bên đi vay không được vay ngắn hạn cho các mục đích sử dụng vốn trung, dài hạn. Tuy nhiên, khác với quy định tại Thông tư 12, tại Thông tư 08 hiện không có quy định tương tự về cùng vấn đề. Theo đó được hiểu rằng, theo Thông tư 08, Doanh nghiệp được phép sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài để cơ cấu mọi khoản nợ nước ngoài của Doanh nghiệp bất kể là khoản nợ ngắn hạn hay là trung, dài hạn.

(b) Doanh nghiệp chỉ được vay trung, dài hạn nước ngoài để phục vụ 03 mục đích sau:

  • Thực hiện dự án đầu tư của Doanh nghiệp:

  • Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của Doanh nghiệp:

  • Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của Doanh nghiệp.

(ii) Giới hạn vay nước ngoài

Đối với các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn, giới hạn vay nước ngoài được áp dụng, Điều 18 Thông tư 08 quy định 03 giới hạn vay trong 03 trường hợp cụ thể tương ứng với 03 mục đích vay như sau:

(a) Trường hợp 1: Thực hiện dự án đầu tư của Doanh nghiệp

  • Tương tự như quy định tại mục (i) điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư 12, khoản 1 Điều 18 Thông tư 08 quy định giới hạn vay nước ngoài trong trường hợp 1 này được xác định bằng phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư của dự án đầu tưvốn góp của nhà đầu tư được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án (“Giới hạn 1”).

  • Theo đó, số dư nợ gốc của các khoản vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên đi vay (bao gồm cả các khoản vay ngắn hạn được gia hạn và ngắn hạn quá hạn thành trung, dài hạn) phục vụ cho mục đích vay tại Trường hợp 1 tối đa không vượt quá Giới hạn 1 này.

  • Điểm khác biệt giữa quy định trên tại Thông tư 08 và Thông tư 12 đó là, trong khi Thông tư 12 yêu cầu mức dư nợ của các khoản vay phục vụ cho dự án đầu tư phải nằm trong mức Giới hạn 1, thì tại Thông tư 08 chỉ yêu cầu số dư nợ gốc (được hiểu là không bao gồm lãi và phí của các khoản vay) được sử dụng cho mục đích vay sẽ được tính vào Giới hạn 1 này.

(b) Trường hợp 2: Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của Doanh nghiệp

  • Quy định này tại Thông tư 08 không có sự khác biệt so với quy định tại Thông tư 12 trước đây về cùng vấn đề. Theo đó, khoản 2 Điều 18 Thông tư 08 quy định giới hạn vay nước ngoài trong trường hợp này được xác định bằng tổng nhu cầu vốn vay tại phương án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được phê duyệt (“Giới hạn 2”).

  • Theo đó, số dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên đi vay (bao gồm cả các khoản vay ngắn hạn được gia hạn và ngắn hạn quá hạn thành trung, dài hạn) được sử dụng cho mục đích vay tại Trường hợp 2 này không vượt quá mức Giới hạn 2.

(c) Trường hợp 3: Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của Doanh nghiệp

  • Theo quy định trước đây, trong trường hợp vay nước ngoài để cơ cấu lại khoản nợ, khoản 2 Điều 5 Thông tư 12 chỉ yêu cầu việc cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của bên đi vay không làm tăng chi phí vay.

  • Hiện nay, giới hạn vay nước ngoài trong trường hợp này theo quy định tại Thông tư 08 đã có phần hạn chế hơn. Cụ thể, điểm a khoản 3 Điều 18 Thông tư 08 quy định giới hạn vay nước ngoài trong trường hợp này bằng tổng giá trị dư nợ gốc, số tiền lãi, phí chưa thanh toán của khoản nợ nước ngoài hiện hữu và phí của khoản vay mới được xác định tại thời điểm cơ cấu (“Giới hạn 3”).

  • Theo đó, số tiền vay nước ngoài phục vụ cho mục đích vay trong Trường hợp 3 tối đa không vượt quá mức Giới hạn 3.

  • Để đảm bảo các Giới hạn 1 và Giới hạn 2 nêu trên, điểm b khoản 3 Điều 18 Thông tư 08 cũng quy định rõ, nếu khoản vay mới là khoản vay trung hoặc dài hạn, bên đi vay phải hoàn trả khoản vay nước ngoài hiện hữu trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày rút vốn khoản vay mới.

Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn, Khoản 4 Điều 18 Thông tư 08 quy định, Giới hạn 1 và Giới hạn 2 không áp dụng với các khoản vay ngắn hạn nước ngoài. Theo đó hiểu rằng, Doanh nghiệp cần vạy ngắn hạn để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài thì cần phải tuân thủ Giới hạn 3 nêu trên (điểm a khỏa 3 Điều 18 Thông tư 08).


4. Một số lưu ý về hiệu lực áp dụng

(i) Thông tư này 08 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023, trừ quy định về giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài áp dụng đối với bên đi vay là TCTD có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

(ii) Theo quy định tại Điều 22 Thông tư 08, các TTVNN được ký kết trước ngày 15/8/2023 và phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, bên đi vay được tiếp tục thực hiện theo các TTVNN đã ký và các văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Ngân hàng NHNN (nếu có) cho đến khi kết thúc khoản vay nước ngoài. Tuy nhiên, bất kỳ sửa đổi nào đối với các TTVNN đó sau ngày 15/8/2023 đều phải tuân theo Thông tư 08.


Tin, bài: Cập nhật bởi LLVN.

Hình: Internet.

------------------------

Lawlink Việt Nam (LLVN) là hãng Luật cung cấp các giải pháp pháp lý cho các doanh nghiệp, doanh nhân về Đầu tư, hoạt động Doanh nghiệp & Kinh doanh, Mua bán & Sáp nhập; Tranh tụng và Giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cung cấp dịch vụ trọn gói từ các khâu tư vấn mô hình đầu tư và hợp tác, đến giấy phép kinh doanh các ngành có điều kiện, hợp đồng, cấu trúc vốn và thu xếp vốn, dịch vụ pháp lý thường xuyên và đại diện theo vụ việc, đào tạo pháp lý và tuân thủ. Các ngành mà chúng tôi thực hành liên tục gồm: Bất động sản & Xây dựng, Hạ tầng, Xử lý rác thải & môi trường, Y & Dược, Giáo dục, Fintech, Nông nghiệp, Giải trí, Truyền thông & Xuất bản, Thương mại điện tử.


------------------------

𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬

Website: www.lawlink.com

Instagram: lawlink.vietnam

Facebook: Lawlink Vietnam

Phone: +84 908107788

Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

85 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page