top of page

HỢP ĐỒNG QUẢN LÝ, VẬN HÀNH BỆNH VIỆN (P3)

Phuong Mai

Đã cập nhật: 6 thg 3

PHẦN 3: ĐỊNH VỊ RỦI RO CỦA MỖI BÊN

TRONG HỢP ĐỒNG OM VÀ GIẢI PHÁP


Tại Phần 2 của chuyên đề này, trong bài đăng trước, chúng tôi đã đề cập đến Nội dung chính của Hợp đồng OM bệnh viện, bao gồm các nội dung chung của một hợp đồng dịch vụ, và các nội dung đặc thù của Hợp đồng OM, cũng như việc thiết lập nội dung của một số điều khoản đặc thù đó.

Trong phần này, chúng tôi giới thiệu một số rủi ro có thể gặp phải của mỗi bên trong Hợp đồng OM, cũng như những vấn đề mà Hợp đồng OM cần phải giải quyết.



1. Rủi ro đối với chủ sở hữu bệnh viện – bên giao dịch vụ

1.1 Một số rủi ro cần lưu ý

Việc giao bệnh viện cho Đơn vị vận hành chuyên nghiệp để vận hành toàn bộ bệnh viện có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng, đặc biệt đối với các bệnh viện tư nhân, bệnh viện mới thành lập, hoặc những cơ sở y tế muốn tối ưu hóa hoạt động. Tuy nhiên, khi giao hoạt động quản lý vận hành cho Đơn vị vận hành, Chủ sở hữu bệnh viện sẽ cần nắm được những rủi ro chính từ việc giao dịch vụ này, nhằm tìm ra được một Đơn vị vận hành phù hợp nhất, đàm phán một hợp đồng tốt nhất, giúp bệnh viện đạt được các mục tiêu. Dưới đây là một số các rủi ro đã được tập hợp từ thực tế soạn thảo, đàm phán và giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng OM:

  • Rủi ro về chất lượng dịch vụ y tế: khi Đơn vị vận hành không đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, có thể cắt giảm chi phí hoặc thiếu năng lực, dẫn đến suy giảm chất lượng dịch vụ y tế, hoặc không tuân thủ chặt chẽ quy trình chuyên môn dẫn đến sai sót y khoa. Để giảm thiểu rủi ro này, Hợp đồng OM sẽ cần quy định các tiêu chuẩn chuyên môn y tế, kèm theo KPI và đánh giá hiệu suất quản lý; đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát định kỳ về chất lượng khám chữa bệnh.

  • Rủi ro từ sai sót y khoa và trách nhiệm pháp lý: nếu xảy ra sự cố y khoa và tranh chấp với với bệnh nhân, Chủ sở hữu bệnh viện có thể bị cơ quan quản lý xử phạt hoặc bị khởi kiện, khởi tố,…. Cần lưu ý rằng, dù đã thuê Đơn vị vận hành, Chủ sở hữu vẫn là người cuối cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động quản lý vận hành bệnh viện, trong đó bao gồm cả hoạt động khám chữa bệnh. Do đó, cần ràng buộc trách nhiệm cụ thể của Đơn vị vận hành khi có sự cố y khoa xảy ra, đồng thời quy định và yêu cầu Đơn vị vận hành mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

  • Rủi ro tài chính: thất thoát doanh thu hoặc thua lỗ. Đơn vị vận hành có thể thiếu minh bạch trong thu – chi ngân sách, tham nhũng nội bộ dẫn đến thất thoát, lạm dụng tài chính; hoặc khi đơn vị quản lý vận hành không có chiến lược vận hành hiệu quả, bệnh viện có thể bị thua lỗ hoặc mất khả năng thanh toán. Để hạn chế, Hợp đồng OM cần quy định cơ chế kiểm tài chính chặt chẽ thông qua các công cụ kiểm soát hiện đại, và áp dụng kiểm toán độc lập.

  • Rủi ro lệ thuộc vào đơn vị quản lý: nếu Hợp đồng OM không có lộ trình chuyển giao, bệnh viện có thể bị lệ thuộc hoàn toàn vào Đơn vị vận hành, mà khi kết thúc hợp đồng, bệnh viện có thể không đủ nhân lực hoặc hệ thống để tự vận hành dẫn đến gián đoạn/đình trệ trong hoạt động. Do đó, cần quy định kế hoạch chuyển giao và đào tạo nhân sự nội bộ để đảm bảo bệnh viện có thể tự vận hành sau khi Đơn vị vận hành rời đi.

  • Rủi ro pháp lý:

    • Rủi ro do Hợp đồng OM không quy định chặt chẽ về phạm vi công việc và trách nhiệm của Đơn vị vận hành, Chủ sở hữu có thể phải gánh chịu toàn bộ các hậu quả pháp lý khi có sai phạm xảy ra hoặc hợp đồng có thể chứa đựng điều khoản bất lợi, khiến bệnh viện khó chấm dứt hợp tác ngay cả khi Đơn vị vận hành hoạt động kém hiệu quả. Điều phải làm là cần kỹ lưỡng và chặt chẽ trong soạn thảo hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản về trách nhiệm, nghĩa vụ, tài chính và điều kiện chấm dứt hợp đồng.

    • Rủi ro từ tranh chấp với Đơn vị vận hành: nếu xảy ra xung đột về lợi ích, quyền lợi hoặc trách nhiệm, bệnh viện có thể bị kiện hoặc phải bồi thường. Do đó, cần quy định rõ về cơ chế giải quyết tranh chấp, và các chế tài khi Đơn vị vận hành vi phạm hợp đồng.

  • Rủi ro mất quyền kiểm soát bệnh viện do đơn vị quản lý lấn át quyền của chủ sở hữu: nếu Hợp đồng OM là một bản “chìa khoá trao tay”, trao toàn bộ quyền quản lý vận hành bệnh viện cho Đơn vị vận hành, thì nguy cơ bị mất quyền kiểm soát là hiện hữu. Rủi ro này đặc biệt cao nếu Đơn vị vận hành có toàn quyền tuyển dụng, sa thải nhân sự, định giá dịch vụ y tế và/hoặc quyết định chiến lược kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, cần thiết lập cơ chế đồng phê duyệt đối với các quyết định quan trọng, đồng thời xác lập điều khoản bảo lưu một số quyền then chốt, bao gồm quyền can thiệp của Chủ sở hữu trong các tình huống hợp lý, tình huống khẩn cấp và tình trạng bế tắc; quyền tạm ngừng, đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các tình huống cần thiết phải tạm ngưng và/hoặc chấm dứt; quyền chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của Chủ sở hữu theo Hợp đồng OM/quyền chuyển nhượng dự án (bệnh viện),…

  • Rủi ro về uy tín và thương hiệu:

    • Ảnh hưởng tiêu cực về danh tiếng: khi Đơn vị vận hành có chiến lược vận hành không phù hợp, bệnh viện có thể mất đi lượng khách hàng trung thành; hoặc khi xảy ra các scandal về y tế, thương hiệu bệnh viện có thể bị tổn hại nghiêm trọng. Để phòng ngừa, Hợp đồng OM sẽ cần ràng buộc trách nhiệm của Đơn vị vận hành trong việc bảo vệ thương hiệu uy tín của bệnh viện; và xây dựng chiến lược khủng hoảng truyền thông, trong đó, Đơn vị vận hành phải có trách nhiệm trong xử lý sự cố.

    • Đơn vị vận hành thao túng thương hiệu bệnh viện vào các mục đích ngoài phạm vi Hợp đồng OM, khi đó, uy tín của bệnh viện có thể bị ảnh hưởng. Do đó, nhất thiết phải quy định phạm vi sử dụng thương hiệu vào các mục đích rõ ràng, cũng như các hạn chế và cấm.

    • Nếu Đơn vị vận hành có quyền sử dụng thương hiệu bệnh viện ngay cả sau khi hợp đồng kết thúc, họ có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh hoặc sử dụng danh tiếng của bệnh viện vào các mục đích riêng. Vì vậy, hợp đồng sẽ không thể thiếu điều khoản không cạnh tranh, ngăn Đơn vận hành mở bệnh viện mới hoặc sử dụng thương hiệu bệnh viện sau khi kết thúc hợp đồng.

1.2 Khuyến nghị thêm đối với Chủ sở hữu bệnh viện – bên giao dịch vụ:

Xuất phát từ tầm quan trọng của một Hợp đồng OM theo dạng chìa khóa trao tay, chúng tôi cũng thêm vào phần này các khuyến nghị đối với Chủ sở hữu bệnh viện – bên giao dịch vụ, đối với nội dung đánh giá và lựa chọn Đơn vị vận hành.

Bước đầu tiên tối quan trọng và cũng là biện pháp quản trị rủi ro pháp lý hiệu quả nhất cho bệnh viện khi thuê Đơn vị vận hành, đó là lựa chọn dúng chọn đơn vị cung cấp dịch vụ. Việc đánh giá không đúng về năng lực của đơn vị cung cấp dịch vụ là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thất bại trong thực hiện Hợp đồng OM và đem lại nhiều rủi ro ở mức cao cho bệnh viện. Đối với một Hợp đồng OM theo dạng “chìa khoá trao tay”, nguyên tắc kỹ lưỡng, độc lập và khách quan trong “chọn mặt gửi vàng” không thể bỏ qua. Theo đó, khi đánh giá năng lực để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ngoài hồ sơ năng lực do bên giao dịch vụ cung cấp, bệnh viện nên tập trung vào một số yếu tố chính sau:

  • Tiến hành việc thẩm định bên cung cấp dịch vụ (năng lực chuyên môn, tài chính, nguồn nhân lực, lịch sử hoạt động, các thành tựu đã đạt được, các sự cố, vi phạm đã xảy ra ở những dự án trước đó và khả năng xử lý khủng hoảng,… (trong nhiều trường hợp, bên giao dịch vụ thường sử dụng dịch vụ thẩm định từ bên thứ ba, trong đó, thẩm định về con người là một thẩm định quan trọng, bên cạnh năng lực tài chính và các năng lực khác của tổ chức/cá nhân cung cấp dịch vụ). Về thẩm định con người, quý vị có thể tham khảo thêm bài viết của chúng tôi tại đây;

  • Yêu cầu bên cung cấp dịch vụ cung cấp các nguồn tham khảo để xác thực được về những dự án và thành tựu trong lĩnh vực quản lý vận hành bệnh viện mà họ đã có được và liệt kê trong hồ sơ năng lực;

  • Ưu tiên lựa chọn đơn vị đã được xếp hạng về dịch vụ quản lý vận hành bệnh viện bởi các tổ chức có uy tín quốc tế và trong nước nếu phù hợp với mục tiêu, chiến lược, ngân sách;

  • Ưu tiên lựa chọn đơn vị có bề dày thành lập và hoạt động, với đội ngũ chủ chốt mang tính ổn định cao, có mức độ tương đồng cao về phong cách quản trị, văn hoá tổ chức và các giá trị cốt lõi;

  • Trường hợp lựa chọn các tổ chức mới thành lập, hoặc nhóm chuyên gia, thì cần phải cẩn trọng hơn nữa trong việc thẩm định, đánh giá và lựa chọn, vì các tổ chức mới thành lập, dù có thể gồm nhiều chuyên gia xuất sắc từ các lĩnh vực cần thiết, nhưng chưa thể chứng minh được tính gắn kết bền vững và hiệu quả cộng tác chung của đội ngũ mới hợp nhất với nhau này. Do đó, trong Hợp đồng OM, sẽ phải quy định kỹ lưỡng hơn về trách nhiệm vật chất và pháp lý, khi lựa chọn Đơn vị vận hành có những đặc trưng này; 

  • Dù lựa chọn đối tác nào, Hợp đồng OM cũng sẽ cần có nội dung quy định về nghĩa vụ trung thực của bên cung cấp dịch vụ trong trong việc cung cấp thông tin, bao gồm các thông tin đã cung cấp trong hồ sơ năng lực. Tương ứng với đó, là các chế tài áp dụng và quyền của chủ sở hữu khi phát hiện hành vi không trung thực, gian dối trong cung cấp thông tin, dù đã xảy ra hậu quả hay chưa xảy ra hậu quả.


2. Rủi ro của bên Đơn vị vận hành – Bên cung cấp dịch vụ

Ở chiều ngược lại, khi cung cấp dịch vụ quản lý vận hành bệnh viện, Đơn vị vận hành cũng có thêm cơ hội để khẳng định danh tiếng, thương hiệu, giúp đạt các mục tăng trưởng của Đơn vị vận hành, đóng góp những giá trị hữu ích cho cộng đồng, cụ thể là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cùng với cơ hội, là những rủi ro trong soạn thảo, đàm phán, ký kết Hợp đồng OM mà Đơn vị vận hành cần phải nắm vững. Có thể điểm mục đến các rủi ro sau:

  • Rủi ro phải chịu các trách nhiệm tài chính, pháp lý khi cung cấp hồ sơ chào dịch vụ khi hồ sơ năng lực chứa đựng các thông tin thiếu trung thực. Trong một số trường hợp, hồ sơ năng lực có thể được “make-up” xa hơn các sự kiện thực tế, ví dụ sử dụng hồ sơ của nhân sự đã nghỉ việc/ngừng hợp tác, hoặc đã có quyết định nghỉ việc/ngừng hợp tác; thông tin quá đi về các thành tựu đạt được, các kinh nghiệm trong quá khứ, về khả năng tài chính hoặc bất cứ thông tin nào khác có liên quan. Có thể hiểu được rằng, hồ sơ năng lực thường được chuẩn bị để gây ấn tượng với bên giao dịch vụ, nhằm mục đích tiếp cận thành công và được giao dịch vụ.

    Trong trường hợp như vậy, hoạt động cung cấp dịch vụ có thể bị tạm ngừng/chấm dứt hợp đồng và/hoặc bị chủ đầu tư yêu cầu bồi thường thiệt hại do cung cấp thông tin thiếu chính xác trong hồ sơ năng lực khi chào dịch vụ.

    Khuyến nghị duy nhất trong trường hợp này, là cần phải trung thực trong cung cấp thông tin, cũng như phải đạt được các cho phép cần thiết của nhân sự/bên thứ ba được đề cập trong hồ sơ năng lực, nếu phải như vậy.

  • Rủi ro thiệt hại về tài chính, uy tín do không đánh giá đúng thực trạng và nhu cầu của bệnh viện, như tình trạng sở hữu, tài chính, công nợ, lịch sử các vi phạm và kiện tụng, tranh chấp,… cùng với việc không đánh giá đúng mong đợi của chủ sở hữu có thể dẫn đến hậu quả:

    • Cung cấp một bản chào dịch vụ với phạm vi công việc, KPI và các trách nhiệm quá rộng, vượt lên khả năng cung cấp dịch vụ;

    • Giá dịch vụ không hợp lý, không tương xứng với phạm vi công việc;

    • Không lường trước được các rủi ro về tài chính, pháp lý mà bên cung cấp dịch vụ có thể phải gánh chịu trước các bên thứ ba và trước pháp luật;

    • Thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu,...

    Do đó, Đơn vị vận hành nên đánh giá kỹ càng về bệnh viện và Chủ sở hữu bệnh viện, bao gồm tình trạng pháp lý về sở hữu của Chủ sở hữu bệnh viện và/hoặc của bên được uỷ quyền giao kết hợp đồng; các giới hạn và hạn chế (nếu có) mà bệnh viện phải có nghĩa vụ tuân thủ trước bên thứ ba, như chủ nợ (các ngân hàng, bên cho vay), cơ quan quản lý nhà nước (có thể có lệnh cấm/tạm hoãn hành nghề/hoạt động đối với người quản lý hoặc người thực hành khám chữa bệnh thuộc đội ngũ chủ chốt…); các vụ kiện tụng, tranh chấp mà bệnh viện là nguyên đơn hoặc bị đơn…; đội ngũ nhân sự chủ chốt, văn hoá quản trị và các yếu tố khác; hiện trạng nguồn lực của bệnh viện, cơ sở vật chất, con người, năng lực cung cấp các dịch vụ y tế có liên quan, tệp khách hàng, thị trường mục tiêu và các tài sản hữu hình, vô hình khác, giúp xác định được chính xác phạm vi dịch vụ, nguồn lực cần bỏ ra để thực hiện dịch vụ, cũng như các chi phí cần thiết và có khả năng thu về trong quá trình thực hiện dịch vụ. Đồng thời, việc đánh giá chính xác tình trạng và nguồn lực của bệnh viện ngày thời điểm ban đầu cũng giúp cho Đơn vị vận hành xác định và cấu trúc các điều khoản mấu chốt trong Hợp đồng OM, để hạn chế các rủi ro tiềm tàng có thể phát sinh.

  • Rủi ro ràng buộc hợp đồng bất lợi:

    • Các điều khoản hợp đồng không rõ ràng hoặc nghiêng về lợi ích cho Chủ sở hữu bệnh viện trong khi không đảm bảo quyền lợi của Bên cung cấp dịch vụ, ví dụ như thiết kế các điều khoản về thanh toán phí dịch vụ không đủ cơ chế và điều kiện đảm bảo lợi ích của Bên cung cấp dịch vụ: không quy định rõ hoặc có quy định nhưng các hình thức, phương thức thanh toán, tiến độ thanh toán, đặc biệt liên quan đến thanh toán bằng hoán đổi cổ phần không phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, gặp nhiều rào cản về kỹ thuật, pháp lý khi thực hiện, dẫn đến thiệt hại về tài chính;

    • Điều khoản chấm dứt hợp đồng không công bằng, cho phép Bên giao dịch vụ huỷ hợp đồng mà không rõ ràng về căn cứ và/hoặc không có bồi thường hợp lý;

    • Thiếu cơ chế bảo vệ quyền lợi nếu Bên giao dịch vụ vi phạm hợp đồng, ví dụ không thanh toán phí dịch vụ đúng hạn hoặc can thiệp quá mức và bất hợp lý vào các hoạt động quản lý điều hành.

  • Rủi ro trách nhiệm pháp lý khi có sai sót y khoa: nếu xảy ra sai sót trong điều trị, tử vong, hoặc tranh chấp với bệnh nhân, Đơn vị vận hành có thể liên đới trách nhiệm. Bệnh viện có thể đổ lỗi cho Đơn vị vận hành nếu hệ thống kiểm soát chất lượng y tế không đảm bảo. Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm giữa bên quản lý và bên chuyên môn y tế, đồng thời yêu cầu bệnh viện mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên y tế.

  • Rủi ro gánh nặng về tài chính khi chi phí vận hành vượt mức dự kiến: do hợp đồng có thể không quy định rõ chi phí nào do bệnh viện chịu, chi phí nào do Đơn vị vận hành chịu; hoặc do biến động chi phí vận hành (nhân sự, vật tư, bảo trì thiết bị…) có thể khiến Đơn vị vận hành bị thua lỗ. Do đó, cần xác định rõ cơ chế thanh toán chi phí vận hành (bệnh viện trả hay Đơn vị vận hành tự chi trả rồi thu hồi?); và nên thương lượng hợp đồng theo mô hình chia sẻ lợi nhuận hoặc có phí quản lý cố định và thưởng hiệu suất.

  • Rủi ro nguy cơ bệnh viện vị thua lỗ, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán phí quản lý: nếu bệnh viện hoạt động không hiệu quả, Chủ đầu tư có thể trì hoãn hoặc không thanh toán phí quản lý. Do đó, cần quy định cơ chế thanh toán rõ ràng, đồng thời có thể yêu cầu khoản bảo lãnh tài chính để đảm bảo thanh toán đúng hạn.

  • Rủi ro vận hành, bao gồm:

    • Không kiểm soát được nhân sự y tế. Nếu Đơn vị vận hành không có quyền tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng hoặc đánh giá hiệu suất công việc của bác sĩ, điều dưỡng thì khó có thể kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế;

    • Bác sĩ, nhân viên y tế có thể không tuân thủ quy trình vận hành mà đơn vị quản lý vận hành thiết lập.

Giải pháp cho rủi ro này là đàm phán quyền kiểm soát tối thiểu đối với nhân sự chủ chốt (như bác sĩ trưởng khoa, giám đốc chuyên môn, trưởng phòng ban, khối, bộ phận…); và thiết lập hệ thống KPI và đánh giá hiệu suất có tính ràng buộc đối với nhân sự bệnh viện.

  • Rủi ro trong xung đột với chủ sở hữu: Chủ sở hữu có thể can thiệp bất hợp lý vào công tác quản lý vận hành, không tuân thủ các đề xuất chuyên môn của Đơn vị vận hành; hoặc tranh chấp về mô hình hoạt động, chi phí hoặc phân bổ lợi nhuận.

Giải pháp cho rủi ro này là cần thiết lập cơ chế ra quyết định rõ ràng trong hợp đồng, và định kỳ tổ chức đánh giá hoạt động để giảm thiểu xung đột.

  • Rủi ro về uy tín và thương hiệu: nếu bệnh viện vận hành kém, bệnh nhân khiếu nại hoặc xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, thương hiệu của Đơn vị vận hành bị ảnh hưởng. Rủi ro này được đánh giá là rủi ro cao, đặc biệt đối với Đơn vị vận hành đã có danh tiếng và uy tín cao trong lĩnh vực y tế.

Giải pháp cho rủi ro này là cần quy định rõ về giới hạn trách nhiệm thương hiệu của Đơn vị vận hành và xây dựng quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông, đặc biệt khi xảy ra sự cố y khoa.

  • Rủi ro mất hợp đồng sau khi xây dựng thương hiệu cho bệnh viện: Chủ sở hữu bệnh viện có thể chấm dứt hợp đồng nếu không có điều khoản bảo vệ quyền lợi cho Đơn vị ý vận hành, và Đơn vị vận hành có thể bị mất trắng công sức đã đầu tư, phát triển thương hiệu cho bệnh viện.

    Giải pháp cho rủi ro này là cần đàm phán điều khoản ràng buộc không cạnh tranh, đồng thời quy định chi phí chấm dứt hợp đồng sớm, trước hạn nếu Chủ sở hữu bệnh viện đơn phương chấm dứt hợp đồng không hợp lý.

Hết Phần 3.

Phần 4: Lưu ý quan trọng trong soạn thảo Hợp đồng OM bệnh viện sẽ được Chúng tôi giới thiệu trong Phần 4 – phần cuối của chuỗi bài viết này.


Xem Phần 1 - Dịch vụ quản lý và vận hành bệnh viện: Hiểu đúng và đủ tại đây. 

Xem Phần 2 - Nội dung chính của Hợp đồng quản lý, vận hành bệnh viện tại đây. 


Bài viết & Hình: Bởi LLVN.

---------------------------------

Lawlink Việt Nam (LLVN) cung cấp dịch vụ pháp lý cho các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực đầu tư, hoạt động các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở làm đẹp, trường và các trung tâm thực hành về y tế, khám chữa bệnh, sản xuất và lưu hành các loại dược liệu, dược mỹ phẩm,… Dịch vụ bao gồm tư vấn & thu xếp Giấy phép đầu tư, thành lập, giấy phép kinh doanh và các giấy phép lưu hành sản phẩm; tư vấn, soạn thảo, đàm phán Hợp đồng hợp tác, đầu tư, góp vốn, Hợp đồng dịch vụ quản lý, vận hành (OM Agreement), Hợp đồng thuê mướn cơ sở và nhân sự, Hợp đồng dịch vụ và các loại hợp đồng khác; soát xét và tư vấn xây dựng & vận hành hệ thống tuân thủ; tư vấn và đại diện trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; tư vấn và đại diện trong thu xếp vốn, gọi vốn, M&A…

---------------------------------

𝐂𝐨𝐧𝐭𝐚𝐜𝐭 𝐮𝐬

Instagram: lawlink.vietnam

Facebook: Lawlink Vietnam

Phone: +84 908107788

Address: Phòng 10.2, Lầu 10, Tòa nhà Vietnam Business Center, 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh


 
 
 

Comments


bottom of page